Tầm quan trọng của tính ổn định đối với an toàn của tàu thuyền

SỰ ỔN ĐỊNH CỦA TÀU THUYỀN, TẦM QUAN TRỌNG CỦA TÍNH ỔN ĐỊNH ĐỐI VỚI AN TOÀN CỦA TÀU THUYỀN KHI CHẠY TRÊN SÔNG HỒ, BIỂN

  Trong thiết kế tàu thuyền, tính ổn định đóng vai trò quyết định đối với khả năng hoạt động của tàu, là chỉ tiêu quan trọng nhất dùng để đánh giá chất lượng thiết kế.

Nhằm giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của tính ổn định đối với an toàn của tàu thuyền khi chạy trên sông hồ, biển, cũng như  cung cấp một số kiến thức cơ bản cho mọi người trong đó có hành khách đi tàu thuyền, chủ phương tiện, mong rằng bài viết ngắn này có thể góp phần giảm thiếu các sự cố không đáng có xảy ra.

Trong các tai nạn thường xảy ra thì tàu thuyền bị lật úp là nguy hiểm nhất, bởi khi đâm va, hỏa hoạn... hành khách còn có thời gian rời khỏi tàu. Khi tàu bị lật úp thời gian xảy ra rất nhanh, hành khách thường bị kẹt lại phía trong tàu và cơ hội thoát ra ngoài để sống sót là rất ít. Đằng sau những vấn đề lật úp tàu phần lớn liên quan tới ổn định của tàu.

VẬY ỔN ĐỊNH TÀU THUYỀN LÀ GÌ?

Là khả năng của tàu thuyền trở lại vị trí cân bằng ban đầu sau khi ngoại lực gây nghiêng ngừng tác dụng (gió, sóng...). Phụ thuộc vào hướng nghiêng tàu khi bị ngoại lực tác động có thể phân biệt ổn định ngang khi xét ổn định trong trạng thái nghiêng ngang và ổn định dọc cho trường hợp tàu bị nghiêng dọc. Hầu hết các trường hợp thì ổn định ngang của tàu, là nguyên nhân chính gây ra các tai nạn nguy hiểm. Khi tàu nổi trên mặt nước, tàu chịu tác dụng của trọng lượng bản thân có tọa độ trọng tâm ký hiệu là G và lực nổi do phần thể tích tàu chìm trong nước có tọa độ tâm nổi B.

Khi tàu cân bằng thì G và B nằm trên một đường thẳng. Khi tàu nghiêng sang bên phải một góc bất kỳ, tọa độ tâm nổi B dịch chuyển sang phía mạn bị nghiêng vị trí mới, lúc này tọa độ trọng tâm tàu G và tọa độ tâm nổi B lệch nhau tạo ra momen hồi phục đưa tàu về trạng thái ban đầu. Tuy nhiên khi tàu nghiêng tới mức tọa độ G và tọa độ tâm nổi B thẳng đứng với nhau, lực hồi phục không còn do vậy nguy cơ lật tàu cao, tại đây tàu nghiêng 1 góc gọi là góc lặn (Angle of Vanishing Stability (AVS))

PHÂN TÍCH CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI ỔN ĐỊNH CỦA TÀU THUYỀN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG MẤT ỔN ĐỊNH TÀU?

Tùy theo vùng hoạt động của tàu, ứng với mỗi vùng hoạt động sẽ có điều kiện thời tiết cụ thể mà người thiết kế sẽ tính toán kiểm tra ổn định của tàu.

Trong quá trình hoạt động của tàu, một trong những nguyên nhân gây ra mất ổn định cho tàu là tình trạng vượt quá tải trọng quy định, đối với tàu khách là chở số khách nhiều hơn số khách được thiết kế để chuyên chở. Khác với tàu chở hàng hóa dễ dàng kiểm soát số lượng và vị trí sắp xếp, tàu chở khách khó khăn hơn vì hành khách thường có xu hướng di chuyển khắp nơi, lúc thì họ dồn hết sang một bên mạn, lúc thì di chuyển lên trên thượng tầng,… gây ra những nguy hiểm cho ổn định của tàu.

» Để khắc phục điều này tàu thuyền cần sử dụng đúng tải trọng cho phép, với tàu chở khách là số lượng hành khách được phép chuyên chở. Hành khách cần bố trí đúng với sơ đồ bố trí khách được thể hiện trong hồ sơ thiết kế tàu.

- Những lỗ khoét kín nước của tàu như nắp hầm máy, cửa ra vào, cửa sổ,… cần được đóng kín. Trong trường hợp tàu nghiêng tới vị trí góc vào nước, nếu những lỗ khoét này không được đóng kín, nước xâm nhập nhanh vào tàu cũng là nguyên nhân gây ra mất ổn định cho tàu.

 - Điều kiện bất lợi về thời tiết, khi đó sóng gió lớn sẽ là nguyên nhân gây ra mất ổn định cho tàu.

» Tàu phải được sử dụng đúng vùng hoạt động đã được thiết kế, không để tàu thuyền hoạt động trong điều kiện thời tiết không cho phép. Các cửa kín nước, kín thời tiết, nắp hầm cần được thử theo yêu cầu quy phạm trước khi đưa tàu vào hoạt động. Các hệ thống hút khô của tàu cần được đảm bảo hoạt động tốt trong mọi điều kiện, các cửa kín nước trên tàu cần được đóng kín hoàn toàn.

- Mặt thoáng chất lỏng: chất lỏng dễ dàng di chuyển nên nó làm giảm tính ổn định của tàu. Ví dụ dầu và nước ở các két, đối với tàu thuyền nhỏ nước trên mặt boong do mưa lớn, hoặc bất kỳ đâu xuất hiện mặt thoáng chất lỏng cũng đều ảnh hưởng tới ổn định của tàu.

» Cần kiểm tra thường xuyên các lỗ khoét thoát nước mặt boong, các bơm, van hút khô. Hệ thống hút khô phải có bơm được thiết kế độc lập với các hệ thống khác. Đối với các két chứa chất lỏng có thể thiết kế vách ngăn để làm giảm mặt thoáng.

- Đối với các tàu bắt buộc theo yêu cầu quy phạm, đặc biệt là với tàu khách cần kiểm tra ổn định tai nạn khi tàu bị thủng khoang.

- Để kiểm nghiệm lại phần ổn định của tàu, đối với một số tàu yêu cầu khi đóng mới hoặc tàu hoán cải cần tiến hành thử nghiêng lệch. Người thiết kế ngoài việc tính toán ổn định theo các yêu cầu của quy phạm cần dựa vào kinh nghiệm kiến thức thực tế để đảm bảo tàu hoạt động tốt nhất.

Trên đây, trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn truyền tải thông điệp cho những người đã sở hữu tàu thuyền và du thuyền hoặc đang có ý định mua nó có một kiến thức cơ bản về tầm quan trọng của tàu thuyền, du thuyền khi hoạt động là sự ổn định. Để khi lựa chọn mua và sử dụng tàu thuyền và du thuyền luôn lưu ý vấn đề an toàn hàng hải phải được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt phải tuyệt đối tuân thủ các quy định an toàn hàng hải theo quy định của các cơ quan quản lý khi tàu thuyền và du thuyền hoạt động trên sông hồ và trên biển.

Trân trọng cảm ơn

Phạm Thành Tín – Naval Architect

FRANSON MARINE

 



Tin liên quan
...mang công nghệ hiện đại để dựng xây quê hương!
TOP