Phát triển công nghệ trong ngành đóng tàu

Câu chuyện từ nỗ lực nâng cao vị thế của James Boat

Khu vực xưởng đóng tàu cạnh bãi đất sông Hồng (thuộc tổ 21, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) của công ty James Boat những ngày cuối tháng 4 đông hơn thường lệ. Thời điểm ấy, một đối tác “lặn lội” từ trời Âu sang để cùng doanh nghiệp Việt thực hiện một lễ ký kết quan trọng.

  “Chúng tôi vốn đã tìm kiếm cơ hội khai phá một thị trường mới ở vùng Viễn Đông và thấy thật may mắn khi có được đối tác như James Boat. Lễ ký kết này là khởi đầu vô cùng quan trọng trong việc hợp tác giữa hai bên. Chúng tôi sẽ chuyển giao các công nghệ sản xuất tàu bằng nhôm nhẹ tốc độ cao cho James Boat để sản xuất tại Việt Nam trong khi đó James Boat sẽ chia sẻ kinh nghiệm đóng tàu bằng vật liệu PPC cho chúng tôi”, ông Egbert Van Veen, Giám đốc Công ty TNHH KD Work Boats nói.

  Không phải ngẫu nhiên mà KD Work Boats – đơn vị chuyên sản xuất tàu nhôm với chiều dài tối đa 30m khá nối bật của Hà Lan lại dành sự tín nhiệm và đặt nhiều kỳ vọng với đối tác Việt Nam như vậy. “Cơ duyên đến cũng rất bất ngờ. James Boat chủ động tìm đến chúng tôi và bằng trực giác của mình, tôi biết đây là một đối tác đáng để gặp mặt”, ông Egbert nhớ lại. Một điều khiến doanh nhân Hà Lan này ấn tượng hơn nữa là, đối tác Việt Nam còn chủ động bay sang Hà Lan để trực tiếp đàm phán. “Không nhiều doanh nghiệp ở trong tình huống ấy có thể sẵng sàng làm như vậy”, ông Egbert nói và cho biết thêm rằng, chính sự chủ động và thiện chí của đối tác Việt cùng sự phù hợp về quan điểm và tầm nhìn đã giúp hai bên ngồi vào bàn ký kết hợp tác chỉ hơn 4 tháng sau đó.

Tàu tuần tra công nghệ PPC do James Boat đóng

   Đây có thể được xem là một tín hiệu tích cực nữa, đánh dấu sự vươn mình của công nghệ đóng tàu từ Việt Nam. “Trên trường quốc tế, nhiều người vẫn nghĩ Việt Nam là một đất nước lạc hậu và chỉ có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp như gạo, cà phê hay hạt tiêu. Ít người nghĩ rằng, Việt Nam cũng có thể làm được những lĩnh vực đòi hỏi hàm lượng công nghệ lớn như đóng tàu”, ông Nguyễn Kim Sơn Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ James Boat chia sẻ và cho biết đã từng nhận được nhiều sự hoài nghi khi mang tàu ra bán ở nước ngoài. “Để phá tan sự hoài nghi này, mình phải chứng minh chính bằng chất lượng sản phẩm hiện hữu. Tôi cũng không đi chào hàng ở những kém phát triển mà thử luôn sức mình ở các nước có công nghệ đóng tàu phát triển để xem trình độ hiện tại của mình đang nằm ở đâu”, ông Sơn nói.  

   Tại Việt Nam, James Boat được biết đến là công ty sản xuất tàu thuyền, du thuyền đầu tiên theo công nghệ mới PPC, tuyệt đối tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng EU. Việc sử dụng vật liệu PPC trong ngành công nghiệp đóng tàu của đơn vị này cũng được xem là bước đi đột phá bởi đây là vật liệu với nhiều đặc tính ưu việt như: nhẹ hơn nước; cách âm cách nhiệt, không hấp thụ nhiệt; kháng mọi hóa chất, và không bị ngấm nước trong thời gian dài ngâm trong nước. Đây cũng là công ty đầu tiên và duy nhất trên thế giới cho đến năm 2017 ứng dụng thành công công nghệ hàn nhiệt vật liệu nhựa đặc biệt siêu bền vào chế tạo chiếc tàu khách 56 chỗ.

   Theo những người trong cuộc, các tàu thuyền sản xuất bằng công nghệ vật liệu mới của nhà sản xuất Việt này được đánh giá sẽ cải thiện đáng kể môi trường biển và sông hồ, tiết kiệm hàng tỷ đồng trong việc bảo dưỡng thân vỏ tàu thuyền, tránh được hàng trăm tấn hóa chất thải ra biển và sông hồ hàng năm do bảo dưỡng sơn và quét hóa chất chống thuỷ sinh và hà bám. Các đối tác của James Boat không chỉ đến từ Hà Lan mà còn từ Cộng hòa Séc hay Croatia và khách hàng của doanh nghiệp Việt này cũng đến từ khắp các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Singapore.

   Ông Marc Van Der Linden, Bí thư thứ nhất, phụ trách Kinh tế & Thương mại, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tin tưởng vào sự phát triển của mối quan hệ hợp tác của hai bên và nhấn mạnh, đây là hướng đi đúng với chủ trương hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan, đặc biệt trong chiến lược hợp tác lĩnh vực hàng hải, đóng tàu của hai nước. “Thông qua hợp chiến lược, các doanh nghiệp sẽ mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhau”, ông Marc nói.

   Chia sẻ kỹ hơn về những kế hoạch hợp tác trong tương lai với đối tác Việt, ông Egbert cho biết, hai đơn vị sẽ cùng trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và chuyên gia trong ngành đóng tàu để có cách tiếp cận thuận lợi nhất với thị trường hai nước. “Đang có một số đối tác tại Việt Nam đã quan tâm đến sản phẩm tàu nhôm của chúng tôi. Tôi cũng nhìn thấy nhiều tiềm năng của tàu PPC sản xuất bởi James Boat, không những trong thị trường Hà Lan mà còn cả châu Âu và các nước khác mà công ty của chúng tôi hiện đang có mạng lưới. Chúng tôi sẽ sử dụng những nguồn lực của mình để quảng bá mạnh mẽ hơn nữa cho các sản phẩm tàu PPC trong thời gian tới”, ông Egbert nhấn mạnh.

                                                                                                                                                              Thu Hoàng

Nguồn tin: Thời Báo Kinh Tế

 



Tin liên quan
...mang công nghệ hiện đại để dựng xây quê hương!
TOP