James Boat và thành công từ việc đóng tàu bằng vật liệu mới

(NB&CL) Việt Nam có tiềm năng kinh tế biển và du lịch sông biển của Việt Nam rất lớn vì có hệ thống kênh rạch, sông ngòi phong phú và trên 3.200 km bờ biển, tuy nhiên chưa được khai thác tốt. Việt Nam chỉ có nhiều tàu đánh cá; còn những tàu du lịch, tàu đi trên sông vẫn khiêm tốn, khác xa với những nước như Pháp và Ý thường sử dụng phương tiện đi trên nước rất nhiều để giảm tải giao thông đường bộ. Cần phải thay đổi phương thức đóng tàu và áp dụng vật liệu mới để đem lại hiệu quả vận hành và giảm chi phí  cho người sử dụng.

Đây là trăn trở của doanh nhân Nguyễn Kim Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ James Boat, người đã mạnh dạn đem công nghệ đóng tàu bằng vật liệu mới (PPC) về Việt Nam cách đây gần 10 năm.

Khởi đầu khó khăn

Là một Việt kiều sinh sống ở CH Séc nhiều năm và có dịp đến nhiều nước nên ông Nguyễn Kim Sơn có dịp tiếp cận với các sản phẩm khoa học công nghệ của các nước tiên tiến. Trong một lần trò chuyện với người bạn nước ngoài, ông Sơn đã bày tỏ sự quan tâm đến vật liệu polypropylen copolymer (PPC) – một loại vật liệu mới được sử dụng vào chế tạo ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi ứng dụng công nghệ cao (công nghệ hàn nhiệt).

PPC giúp ngăn thủy sinh vật bám, chịu được va đập mạnh, thậm chí ngăn được đạn xuyên thủng. Khi chuyển động, vỏ tàu có tính đàn hồi giúp giảm xóc, ít ma sát hơn vỏ gỗ và thép nên đạt tốc độ cao, dễ xoay trở, tiết kiệm nhiên liệu và theo các chuyên gia thì có thể đạt tuổi thọ ít nhất 50 năm. Trong câu chuyện, ông Sơn cũng không giấu diếm mong muốn đem công nghệ này về áp dụng tại Việt Nam – nơi luôn thôi thúc ông trở về và xây dựng một xưởng đóng tàu trên quê hương của mình.

Không ngờ, điều này đã nhận được sự ủng hộ của bạn ông, một kỹ sư đóng tàu nhiều kinh nghiệm của Cộng hòa Czech, từng giữ vị trí cấp cao ở các công ty, tập đoàn đóng tàu lớn ở Cộng hòa Czech và Đức.

Giai đoạn khởi đầu khá khó khăn khi cả hai phải đi thuyết phục từng khách hàng, nhà đầu tư để giới thiệu về vật liệu PPC và công nghệ đóng tàu của mình. Hầu hết, sự chào mời của họ đều bị từ chối, bởi vật liệu này còn quá mới, hơn nữa James Boat là cái tên khá xa lạ trên lĩnh vực đóng tàu tại Việt Nam.

Lãnh đạo cảnh sát biển kiểm tra chất lượng tàu

Quả ngọt từ sự kiên trì

Thế rồi, Công ty James Boat cũng có đơn đặt hàng đầu tiên, đó là việc chế tạo tàu tuần tra cao tốc MS50 sử dụng vật liệu PPC đầu tiên cho Cảnh sát biển Việt Nam. Để thực hiện việc đóng tàu tuần tra, James Boat phải tuân thủ rất nhiều điều kiện tiêu chuẩn ngặt nghèo như dài trên 13m và rộng 4,6 m; lượng giãn nước 9,6 tấn; tốc độ tối đa 35 hải lý/giờ. Tàu được sử dụng tuần tra, kiểm soát và thực thi pháp luật khu vực ven biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo nên phải được sản xuất với công nghệ an toàn, tối tân theo đúng yêu cầu của lực lượng cảnh sát biển.

Quả ngọt đầu tiên cũng đến, tàu tuần tra cao tốc MS50 sau khi ra đời được các chuyên gia đánh giá cao và nhận định, nếu sản xuất ở Mỹ, một tàu có kích cỡ và chức năng tương tự như MS50 có giá gấp nhiều lần.

Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau khi trở thành công ty Việt Nam đầu tiên được chuyển giao công nghệ đóng tàu bằng vật liệu PPC từ Công ty TNHH Off Sea của Séc, James Boat đã ký hợp đồng triển khai dự án chế tạo xuồng tuần tra cao tốc MS-50S cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, chế tạo bến cập tàu thuyền cho Cục Cảnh sát giao thông đường thuỷ, thuyền vượt sông nhẹ cho Bộ Tư lệnh Công binh…

Tàu tuần tra do Công ty James Boat chế tạo

Xuất phát từ những hữu ích của việc áp dụng công nghệ đóng tàu, thuyền bằng vật liệu mới PPC, nhóm các kỹ sư Công ty cổ phần Công nghệ James Boat đã tiến hành thực hiện công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo tàu thuyền và ca nô bằng vật liệu mới PPC ứng dụng công nghệ cao”. Vật liệu tổng hợp PPC dùng đóng các loại tàu thuyền vận tải hành khách với sức chứa từ 10 – 200 hành khách và hàng hóa từ 2 – 10 tấn; các loại tàu thuyền chuyên tuần tra, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu trên sông, hồ và vùng biển. Vật liệu PPC còn dùng để chế tạo nhà nổi, bến nổi trên sông, cầu cảng và bến du thuyền, đáp ứng được nhu cầu của dân sinh và quốc phòng, đồng thời giải quyết khá triệt để những vấn đề tồn tại do các loại vật liệu truyền thống gây ra.

Việc ứng dụng thành công công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo tàu thuyền và ca nô bằng vật liệu mới PPC ứng dụng công nghệ cao” đã giúp chế tạo được các sản phẩm ca nô, tàu thuyền phục vụ cho lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy, vui chơi giải trí và du lịch, an ninh quốc phòng, đánh bắt cá xa bờ… “Đặc biệt tàu, thuyền, ca nô, công trình nổi được đóng bằng công nghệ, vật liệu mới PPC có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại về chất lượng và giá cả nên tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí nhập khẩu, tạo việc làm cho hàng trăm công nhân trong ngành đóng tàu. Sau nhiều năm sử dụng, các sản phẩm làm bằng vật liệu PPC có thể dễ dàng sửa chữa, khi cần sẽ được tái chế 100%..”, ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định.❏

“James Boat Technology là công ty sản xuất tàu thuyền, du thuyền đầu tiên tại Việt Nam theo công nghệ mới, tuyệt đối tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng EU. James Boat Technology  là công ty đầu tiên và duy nhất trên thế giới cho đến nay (năm 2017) ứng dụng thành công công nghệ hàn nhiệt vật liệu nhựa đặc biệt siêu bền vào chế tạo chiếc tàu khách 56 chỗ.

Nguyễn Nam

Nguồn: Báo công luận



Tin liên quan
...mang công nghệ hiện đại để dựng xây quê hương!
TOP