Đừng Để Ngư Dân Lẻ Loi Khi Xa Bờ

(PL)- Đến mùa đánh bắt, các nước tổ chức đánh bắt từng đoàn, có lực lượng chức năng đi theo giúp hậu cần trên biển, giúp bảo vệ ngư dân, còn mình thì chưa làm được

              'Các nhà máy đóng tàu, ông nào cũng hãi lắm rồi'

Hôm qua, 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Các ý kiến cho rằng cần ngay lập tức hình thành các mô hình đánh bắt xa bờ có sự tham gia của lực lượng chức năng để vừa bảo vệ vừa hỗ trợ ngư dân. Đồng thời cũng đề nghị truy rõ trách nhiệm vụ tàu sắt hỗ trợ cho ngư dân bị hư hỏng khi vừa đóng xong…

Lo lắng ngư dân bị bắt

Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Võ Trọng Việt cho biết giai đoạn 2011-2016 sản lượng khai thác hải sản đã tăng 5%/năm; lượng tàu cá đến hết năm 2016 đã đạt gần 110.000 tàu cá, tàu khai thác xa bờ tăng mạnh; hệ thống hậu cần, cảng cá được nâng cấp, mở rộng; nhiều mô hình đánh bắt trên biển phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, ông Việt cũng cho hay việc tham gia của các tổ chức, cá nhân khai thác hải sản, nhất là khai thác hải sản xa bờ vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn trật tự an toàn, phòng chống vi phạm, tội phạm trên biển còn nhiều hạn chế, còn tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp…

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu vấn đề gần đây tàu cá của ngư dân bị bắt giữ tại các nước ngày một nhiều, Chính phủ đã phải làm rất nhiều thủ tục để giải quyết. Để khắc phục điều này, ông Giàu cho rằng cần phải “gia cố, xây dựng” mô hình quản lý sản xuất trên biển. “Ngư dân đánh bắt xa bờ là những người có dũng khí, dũng cảm. Khu vực xa bờ là tiền đồ phát triển cho thủy sản Việt Nam. Xây dựng mô hình này tốn kém, đòi hỏi các cấp, các ngành phải vào cuộc, vì khi sản xuất trên biển có nhu cầu bảo đảm an toàn cao” - ông Giàu nói.

'Các nhà máy đóng tàu, ông nào cũng hãi lắm rồi' - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng điều cốt lõi nhất là phải tổ chức được mô hình đánh bắt xa bờ để bảo vệ, hỗ trợ ngư dân. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Cùng nội dung, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự lo lắng, sốt ruột về tình trạng tàu ngư dân bị bắt giữ khi đánh bắt ở vùng biển của các nước lân cận. Bà đề nghị cần tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Đặc biệt, cốt lõi nhất phải tổ chức được mô hình đánh bắt xa bờ bảo vệ, hỗ trợ được cho ngư dân.

“Các nước có kinh nghiệm đến mùa đánh bắt tổ chức đánh bắt từng đoàn, có lực lượng chức năng đi theo giúp hậu cần trên biển, giúp bảo vệ. Còn mình thì chưa làm được nên ngư dân đánh bắt xa bờ phân tán nhỏ lẻ. Đoàn giám sát cần đặt vấn đề này ra. Mình tổ chức đánh bắt theo đoàn thì vừa hỗ trợ, bảo vệ, đồng thời cũng cảnh báo được việc ngư dân vượt sang vùng biển nước khác…” - Chủ tịch QH nói.

Truy trách nhiệm vụ đóng tàu vỏ sắt

Quan tâm đến một khía cạnh khác, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề cập đến chuyện đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67/2014 như báo chí phản ánh thời gian qua. “Đây là chủ trương lớn, được bố trí vốn nhanh để thực hiện nhưng khi triển khai lại gây ra những bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Đề nghị Bộ NN&PTNT và đoàn giám sát đánh giá kỹ hơn nữa, thậm chí có báo cáo riêng về vấn đề này” - bà Hải nói.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay khi ban hành Nghị định 67/2014 thì “chúng ta đã rất kỳ vọng” nhưng sau ba năm thực hiện đã bộc lộ nhiều vấn đề như báo chí nêu. “Báo cáo chỉ liệt kê vài chính sách phát triển thủy sản như đầu tư, tín dụng, bảo hiểm… Đề nghị phải đánh giá rõ quá trình thực hiện, bên cạnh những mặt được thì người dân quan tâm đến những hạn chế, tiêu cực trong thực hiện Nghị định 67. Tình trạng thế nào, trách nhiệm thuộc về ai phải nói rõ” - bà Nga nói.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay vừa qua Thủ tướng chỉ đạo tổng kết ba năm thực hiện Nghị định 67 với khẳng định chung là tốt, chỉ có tồn tại ở chỗ đóng tàu. Theo kế hoạch đóng 2.800 tàu thì mới đóng được 1.510 chiếc, trong đó có 760 chiếc đi vào hoạt động. Trong số này có 301 tàu sắt nhưng có đến 47 tàu sắt bị hư hỏng ở các ngư trường khác nhau. “Tâm điểm tập trung ở tỉnh Bình Định 18 tàu với 13 tàu hỏng máy chính và 5 tàu hỏng thân vỏ”- ông Cường cho biết.

Cũng theo ông Cường, Thủ tướng đã chỉ đạo phải bằng mọi giá sửa chữa tàu nhanh để đưa vào sản xuất, đồng thời điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra do đâu để xử lý. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu 27 tỉnh, thành còn lại có tàu sắt rà soát tình hình tàu sắt, không để tình hình tương tự xảy ra. “Các nhà máy đóng tàu cũng rút kinh nghiệm, ông nào cũng hãi lắm rồi, nhiều nhà máy cẩn thận phải báo cho từng ngư dân đến hạn phải đưa tàu vòng về kiểm tra” - ông Cường nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải, người từng có nhiều năm gắn bó với ngư dân Quảng Nam, kể trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta, lòng ngư dân ai cũng hướng về Tổ quốc, bất chấp những thiệt hại vật chất của mình để đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Tuy nhiên, cái Nhà nước bù đắp lại, đầu tư cho ngư dân thì vẫn còn chưa hiệu quả. “Ví dụ ta cần kiểm điểm lại hai lần đầu tư đánh bắt xa bờ đều không đạt kết quả như yêu cầu. Lần trước là đầu tư chương trình đánh bắt xa bờ rồi, nên lần này phải tiếp tục đánh giá kỹ thực hiện Nghị định 67 với chương trình hỗ trợ tàu sắt cho ngư dân đánh bắt xa bờ…” - ông Hải nói. 
TRỌNG PHÚ
Nguồn tin: Báo Pháp Luật


Tin liên quan
...mang công nghệ hiện đại để dựng xây quê hương!
TOP