Đóng tàu cho tỉ phú châu Phi: Kỳ 1 - Hai cuộc gặp ở Hà Nội và Singapore

TTO - Với anh Long - người từng đi khắp thế giới để làm những loại việc liên quan chuyên ngành viễn thông, hợp đồng này có những điều thú vị rất riêng. Đây là lần đầu tiên anh đặt hàng làm tàu tuần tra, khách hàng lại là một tỉ phú tận châu Phi.

Nhân viên Công ty Bolloré Logistics Việt Nam kiểm tra việc cẩu tàu tuần tra bằng nhựa cao cấp ở cảng Đoạn Xá (Hải Phòng) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Kinh tế châu Phi trong thời gian dài ít được nhắc đến với hai chữ "tiềm năng". Giờ đây, đó là một châu lục đang vươn lên mạnh mẽ với những dự báo phát triển ở mức 4%. Các doanh nhân châu Phi cũng đang tìm cách vươn ra thế giới. Việt Nam là một trong những điểm đến của họ.

Ngày 19-12-2019, khi chiếc tàu tuần tra cuối cùng chất yên ổn lên tàu hàng Kota Bintang mang cờ hiệu Singapore neo đậu tại cảng Đoạn Xá ở Hải Phòng, và không lâu sau đó con tàu kéo hồi còi dài rời bến, anh Long Tạ mới cảm thấy nhẹ nhõm. Đây là đơn hàng giá trị lớn đầu tiên anh thực hiện tại Việt Nam cho một đối tác châu Phi. 

Con tàu hàng khổng lồ sẽ mất đúng một tháng mới sang được cảng Harcourt (Nigeria) cùng 50 chiếc tàu tuần tra bằng nhựa cao cấp do Công ty đóng tàu James Boat ở Hà Nội thực hiện.

Vẫn còn 10 chiếc tàu tuần tra bọc thép khác đã hoàn thành đang nằm ở một công ty đóng tàu nữa của Việt Nam tại Hải Phòng và chờ ngày xuất xưởng đến những đối tác khác ở châu Phi. 

Nhưng với anh Long - một người từng đi gần như khắp thế giới để làm những loại việc liên quan chuyên ngành viễn thông, hợp đồng lần này có những điều thú vị rất riêng. Đây là lần đầu tiên anh đặt hàng làm tàu tuần tra, khách hàng lại là một tỉ phú tận châu Phi xa xôi.

Ông ấy bị thuyết phục khi tôi nhắc đến sự thông minh, khả năng của người Việt Nam trong nghề đóng tàu cũng như độ bền cao, thân thiện với môi trường của loại vật liệu được dùng để chế tạo các tàu tuần tra mà ông ấy mong muốn.

Anh Long Tạ (Việt kiều Pháp)

Người bạn Pháp ở Hà Nội

Hơn hai năm trước, hợp đồng bắt đầu khá mơ hồ từ cuộc gặp ở một nhà hàng hải sản nhỏ mang phong vị Sài Gòn tại Hà Nội. Một mối quan hệ cũ làm trong ngành ngoại giao từ thời anh Long còn làm việc cho công ty viễn thông Pháp ở Nigeria tìm đến tận Hà Nội, hẹn ra ăn uống và thăm hỏi rất chi là bâng quơ. 

"Long, anh còn nhớ ông Ben tỉ phú không?". Câu trả lời cũng chỉ tưởng là xã giao cho qua chuyện. "Nhớ chứ, tôi có gặp ông ấy vài lần khi còn làm việc ở Lagos. Công việc của ông ấy vẫn tốt đẹp chứ?". 

Ông bạn người Pháp đi ngay vào vấn đề: "Tay tỉ phú ấy muốn gặp anh để bàn một số việc. Ông ấy nhờ tôi đi tìm anh nhân chuyến sang chơi Việt Nam lần này. Nếu anh chấp nhận gặp thì tôi sẽ báo lại".

Cuộc nói chuyện ngắn đã mở đường cho một hướng đi mới của Long, sau khi anh tạm gác lại chuyên môn ngành viễn thông mà anh từng học ở Pháp và mở hướng đầu tư các nhà hàng nhỏ ở Hà Nội. Vài ngày sau, một số điện thoại lạ gọi về cho Long. Đó là cuộc gọi của tỉ phú Ben. Sau vài câu thăm hỏi đầy chất ngoại giao, ông ấy mời Long sang Singapore xem đua xe Thể thức 1.

Ngày sang Singapore trong tháng 9-2018, Long đã gặp lại vị tỉ phú năm xưa từng giao hảo ở nơi mà ít người Việt lui tới. Giờ đây, ông ấy đã là một tỉ phú có hạng ở Nigeria, kinh doanh nhiều ngành hàng nhưng chủ yếu là ngành dầu khí - một điểm mạnh về tài nguyên của đất nước đông dân nhất châu Phi. 

Đúng kiểu cách của một người làm ăn lớn, tỉ phú Ben không hề đá động gì cụ thể đến chuyện làm ăn. Chỉ là một bữa ăn tối cùng nhau sau khi xem đua xe. Trong bữa ăn, ông ấy chỉ hỏi thăm về tình hình làm ăn nói chung ở Việt Nam.

Sau cuộc gặp không lâu là những trao đổi qua email và điện thoại thường xuyên hơn. Vị tỉ phú 53 tuổi bắt đầu nói về ý định tìm kiếm những đối tác Việt Nam cho các công việc của ông ấy ở Nigeria và một số nước châu Phi mà ông ấy đang đầu tư. 

"Ban đầu ông ấy chưa thực sự tin tưởng năng lực các công ty Việt Nam", anh Long nhìn nhận và nhớ về "đơn hàng đầu tiên" của tỉ phú Nigeria là tìm giúp một công ty Việt Nam chuyên về công nghệ lọc dầu. Long đã giới thiệu được một công ty đặt tại Vũng Tàu. "

Mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ, nhưng đến phút cuối ông ấy quyết định dừng lại, theo tôi đoán là ông ấy chưa đủ tin tưởng vào công nghệ của công ty tại Vũng Tàu mà chọn công ty phương Tây", anh Long nhớ lại. Vị tỉ phú có tài sản ròng 2,7 tỉ USD (theo ước tính của tạp chí Forbes năm 2018) chưa bao giờ giải thích lý do từ bỏ lựa chọn công ty Việt của mình.

Thất bại là mẹ thành công

Thất bại lần đầu, may mắn thay, lại là khởi đầu cho những điều tốt đẹp kế tiếp. Tỉ phú Ben bắt đầu sang thăm Việt Nam. Đi chơi thôi nhưng có lẽ cũng là để hiểu sâu hơn về đất nước mà ông sẽ đặt chân vào làm ăn. Ông ấy không bao giờ nói rõ mình nghĩ gì, tính toán gì với cả cộng sự của ông tại Việt Nam là anh Long.

Cho đến cách đây hơn một năm, vị tỉ phú của quốc gia thuộc khu vực Tây Phi lại đặt vấn đề với anh Long là cần công ty Việt Nam đóng các loại tàu dịch vụ chuyên dụng cho các giàn khoan ngoài khơi như tàu chữa cháy, tàu tuần tra. Việc trao đổi ban đầu chủ yếu qua email, lại cũng có vẻ khá mơ hồ.

Long lao vào tìm hiểu lĩnh vực mới bởi anh thích những thử thách mới trong công việc. Có không ít công ty đóng tàu ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của tỉ phú Ben, nhưng cũng có không ít công ty của các nước trong khu vực làm được tốt không kém. 

Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, Long chuẩn bị kỹ hơn. Anh tiếp cận các công ty đóng tàu ở Hải Phòng, Hà Nội, thậm chí sang tận Malaysia, Singapore để nắm các loại giá cả và khả năng kỹ thuật.

Lần này thì anh thành công. Anh chọn lựa được 2 công ty đóng tàu của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của đối tác Nigeria. Những trao đổi cụ thể hơn về thiết kế kỹ thuật, thời gian hoàn thành hợp đồng... đều do Long một tay tổ chức.

Trong thời gian thương thảo này, tỉ phú Ben cũng đã sang chơi Việt Nam vài lần, kể cả lần đưa cả gia đình cùng đoàn tùy tùng. Những chuyến đi đã khiến ông ấy có cảm tình với Việt Nam đến độ chuyển "tiền cọc" vào tài khoản Công ty James Boat ở Hà Nội 700.000 USD và Công ty đóng tàu Hồng Hà ở Hải Phòng 2 triệu USD, kể cả khi vẫn chưa cầm được bất kỳ giấy tờ hợp đồng nào trong tay.

Người duy nhất ông ấy gửi sang để kiểm tra năng lực các công ty Việt Nam là một trợ lý thân cận. Vị này xuất hiện ở Hà Nội và Hải Phòng  vài ngày. "Ông ấy thương lượng cũng khá nhanh. Khi đến công ty chúng tôi, ông ấy khảo sát xong, nghe báo giá thì liền gọi điện thoại về Nigeria, và rồi chốt hợp đồng", một lãnh đạo của Công ty James Boat cho biết.

Sau cú bắt tay buổi trưa, đến chiều thì số tiền lớn từ bên châu Phi đã nằm trong tài khoản các công ty Việt.

---

Kỳ 2: Vị tỉ phú thích ăn rau muống xào

Nguồn tin: Báo tuổi trẻ

 



Tin liên quan
...mang công nghệ hiện đại để dựng xây quê hương!
TOP