Chế tạo tàu thuyền bằng vật liệu mới

 Không khói, không bụi, không cả tiếng ồn… là những gì dễ cảm nhận được khi tham quan phân xưởng đóng tàu của Công ty CP Công nghệ James Boat tại Hà Nội. Đây là doanh nghiệp duy nhất trong nước làm chủ và sở hữu công nghệ thiết kế, chế tạo tàu thuyền cũng như các công trình nổi từ vật liệu mới PPC để tạo ra các sản phẩm phục vụ an ninh, quốc phòng, đánh bắt cá xa bờ và nhiều lĩnh vực khác.

Tính năng vượt trội

Việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo tàu thuyền sử dụng vật liệu với các tính năng vượt trội, thân thiện với môi trường, ứng dụng nguồn năng lượng sạch phục vụ hệ thống động lực và sinh hoạt trên tàu là vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý và đóng tàu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ lý do đó, ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ James Boat đã cùng các chuyên gia CH Séc và Việt Nam thực hiện đề tài nghiên cứu “Chế tạo tàu thuyền và các kết cấu nổi bằng công nghệ cao từ vật liệu mới PPC”, đáp ứng các yêu cầu của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Nguyễn Kim Sơn (áo xanh)  trao đổi công việc với chuyên gia kỹ thuật

Theo ông Sơn, Việt Nam là quốc gia có bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam. Do vậy, nhu cầu về trang bị tàu thuyền cỡ nhỏ để thực hiện các công việc phục vụ dân sinh và quốc phòng là rất lớn. Với những tính năng vượt trội, tàu thuyền cỡ nhỏ sử dụng vật liệu tổng hợp PPC đã được triển khai tại một số quốc gia trên thế giới...  Để thiết kế, chế tạo tàu thuyền, ca nô..., vật liệu PPC phải qua một máy cắt 3D bằng tia nước, bảo đảm tính chính xác  các yêu cầu về kỹ thuật. Sau khi ráp nối lại, các khối PPC được liên kết bằng công nghệ hàn nhiệt. Quy trình tưởng như đơn giản, nhưng để làm chủ được công nghệ do Công ty TNHH OFF-SEA (Cộng hòa Séc) chuyển giao, ông Sơn cùng các kỹ sư của đơn vị đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu và học hỏi. So với những vật liệu truyền thống như: composite, nhôm, gỗ hay thép, vật liệu PPC có những ưu điểm vượt trội. Đó là khả năng chống chìm, chống lật, an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu lên tới 30% - 40%. Đặc biệt, các sản phẩm từ vật liệu  PPC còn chịu được thời tiết nắng nóng và giá lạnh mà không hề biến dạng (từ âm 30 đến dương 80 độ C), có khả năng cách nhiệt và cách âm tốt, không gỉ, vỏ tàu không bị thủy sinh vật bám, chịu được va đập mạnh (thậm chí chống được cả đạn súng ngắn). Khi chuyển động, vỏ tàu có tính đàn hồi giúp giảm xóc, ít ma sát hơn vỏ gỗ và thép nên đạt tốc độ cao, dễ cơ động. Trong quá trình gia công PPC sử dụng công nghệ hàn nhiệt, không phát sinh chất độc hại cho con người, môi trường và được tái chế 100% sau khi các sản phẩm hết hạn sử dụng.

 

Ông Nguyễn Kim Sơn (người đứng đầu từ trái sang) giới thiệu công nghệ với lãnh đạo Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam


Theo đánh giá của GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, Trung tâm Vật liệu Polymer trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, với điều kiện khí hậu Việt Nam, vỏ tàu bằng vật liệu PPC có thể đạt tuổi thọ ít nhất 30 năm. Việc ứng dụng công nghệ hàn nhiệt, vật liệu tổng hợp PPC có thể sử dụng để đóng các loại tàu thuyền vận tải hành khách với sức chứa đến 150 hành khách và hàng hóa đến 120 tấn; các loại tàu thuyền trong tuần tra, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu trên sông, hồ và vùng ven biển. Vật liệu PPC cũng được sử dụng để chế tạo nhà nổi, bến nổi, bến du thuyền, cầu cảng trên sông hồ và vịnh kín, cũng như các du thuyền sang trọng, đáp ứng thiết thực các yêu cầu trong cuộc sống.

Cơ hội phát triển nền công nghiệp xanh

Tàu tuần tra cao tốc MS 50 đưa vào sử dụng.

Hiện nay, vật liệu PPC đã được Hội đồng Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy và Cơ quan đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và nghiệm thu kết quả thử nghiệm theo tiêu chuẩn kết cấu thỏa mãn sử dụng trong chế tạo ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi. Theo tính toán, việc thiết kế, chế tạo và vận hành sản phẩm ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi từ vật liệu PPC chiếm 50% giá thành nhập ngoại so với sản phẩm tương ứng. Cùng với đó, các sản phẩm như: cửa kính thủy lực, hệ thống lan can, hệ thống sàn chống trơn, hệ thống điện… cho ca nô, tàu thuyền, cũng như hệ thống khung nhôm, khung thép cho bến nổi được sản xuất trong nước có thể tận dụng nguồn nhân lực và thiết bị máy móc.

Đặc biệt, cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại về chất lượng, giá thành, tiết kiệm nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho lao động đóng tàu. Nhờ khả năng ứng dụng trong thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đề tài nghiên cứu “Chế tạo tàu thuyền và các kết cấu nổi bằng công nghệ cao từ vật liệu mới PPC” của Công ty CP James Boat đã vinh dự giành giải Nhì Vifotec năm 2014 trong lĩnh vực Vật liệu mới. Đặc biệt, việc ứng dụng thành công vật liệu tổng hợp PPC còn mở ra cơ hội phát triển nền công nghiệp xanh thân thiện với môi trường.



Tin liên quan
...mang công nghệ hiện đại để dựng xây quê hương!
TOP