Cần hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ về chính sách

Doanh nghiệp mong muốn có hành lang pháp lý cho công nghệ đóng tàu bằng vật liệu PPC.

 
jamesboat

Xuồng tuần tra cao tốc MS-50S bằng vật liệu PPC do công ty cổ phần công nghệ James Boat chế tạo và bàn giao cho BTL Cảnh sát biển VN

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi bất cứ quốc gia nào cũng phải phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) để đón đầu và tận dụng cơ hội từ xu hướng phát triển mới. Tuy nhiên, thực trạng phát triển KHCN ở nước ta còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp đổi mới, mà nguyên nhân lớn xuất phát từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển KHCN chưa đạt kỳ vọng là rào cản lớn DN. Trong đó, có sản phẩm được sản xuất từ vật liệu PPC trong ngành Đóng tàu.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ James Boat là một trong những thành viên đầu tiên của nhóm nghiên cứu thử nghiệm và đưa vật liệu polypropylen copolymer (PPC) vào chế tạo ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi, ứng dụng công nghệ cao (công nghệ hàn nhiệt)  tại Cộng hòa Czech. Vì tình yêu quê hương đất nước với những chuyến công tác không biết mệt mỏi trong và ngoài nước ông đã mang về những sản phẩm công nghệ sáng tạo “Made in Việt Nam” vươn tầm thế giới.

Theo ông Sơn, tiềm năng kinh tế biển và du lịch sông biển của Việt Nam rất lớn, có hệ thống kênh rạch, sông ngòi phong phú và trên 3.260 km bờ biển. Do vậy, nhu cầu về tàu thuyền cỡ nhỏ và các thiết bị nổi để phục vụ dân sinh và quốc phòng là rất cao. Ngày 27/5/2013, với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Cộng hòa Czech và Chính phủ Việt Nam, công ty cổ phần công nghệ James Boat chính thức được cấp phép hoạt động và ký hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi bằng vật liệu mới - PPC.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, vật liệu tổng hợp PPC (Copolymer Polypropylene Polystone) - vật liệu công nghệ mới đã được triển khai thành công tại một số quốc gia châu Âu từ năm 1995. Với nhiều tính năng ưu việt so với các vật liệu truyền thống như sắt, gỗ, nhôm, composite, PPC được đánh giá là khá phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế của Việt Nam khi sử dụng chế tạo ra các loại tàu, thuyền đi biển.

Vật liệu PPC có ưu điểm nổi bật như: Khối lượng riêng nhỏ hơn nước (0,92kg/dm3). Tàu thuyền không thể bị lật hoặc chìm, độ ổn định cao do thân và đáy tàu được thiết kế bởi hai lớp nên rất an toàn cho người và hàng hóa.

Tổng trọng lượng thân tàu nhẹ nên giảm công suất động cơ. Độ bền cao, dai nên chịu va đập và chống xuyên thủng tốt, hệ số ma sát nhỏ, giảm sức cản thủy lực, ít tạo sóng, tiết kiệm nhiện liệu từ 20% - 40%. Không tốn kém chi phí bảo trì, bảo dưỡng do đặc tính vật liệu tổng hợp PPC chống thủy sinh và hà bám, rửa sạch bằng nước áp lực cao. 

Cách nhiệt, không hấp thụ nhiệt, cách âm, giảm tiếng ồn động cơ. Dễ sửa chữa, do có thiết bị hàn nhiệt cầm tay chuyên dụng. Màu sắc được pha sẵn trong vật liệu, không cần sơn, không phai, kháng a-xít và dầu mỡ. Tuổi thọ và sự ổn định màu sắc cao (trên 30 năm tùy theo môi trường). Tái chế 100% sau quá trình sử dụng, không gây ô nhiễm môi trường.

Tàu thuyền có tuyến hình và kiểu dáng đẹp do được thiết kế bởi các kỹ sư Việt Nam cùng hợp tác với các chuyên gia hàng đầu Châu Âu. Một ưu điểm nữa là chế tạo tàu thuyền bằng chất liệu PPC ứng dụng công nghệ cao chi phí thấp hơn so với đóng tàu vỏ thép, composite… thời gian thi công ngắn hơn tàu thuyền chế tạo bằng các vật liệu khác.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng: Với những ưu điểm có được, vật liệu PPC đã được cơ quan đăng kiểm nước ngoài công nhận bảo đảm các tiêu chuẩn có thể sử dụng đóng tàu, thuyền. Chính vì vậy, các cơ quan liên quan trong nước cần sớm ban hành tiêu chuẩn và tổ chức kiểm định các tàu, thuyền được đóng bằng loại vật liệu này.

Tháng 5/2014, khi công ty mới vừa tròn 1 năm, cơ hội và cũng là thách thách đầu tiên đã đến, hợp đồng chế tạo 50 chiếc tàu tuần tra cao tốc MS50S được ký kết với lực lượng CSB và BĐBP Việt Nam: Xuồng có chiều dài 13,66 mét, rộng 3,78 mét, có sức chứa 16 chỗ ngồi và đạt vận tốc tối đa từ 30 - 35 hải lý/giờ, trang bị công nghệ hiện đại, camera nhiệt đêm, có thể phát hiện đối phương ở tầm xa 70 lý, xoay chuyển tốt và có bệ để súng 12 ly 7.

Sau đó, xuồng cao tốc MS-50 được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 1 – đơn vị tiếp nhận, quản lý, khai khác sử dụng. Tàu MS-50S được đánh giá là tàu cơ động và hiệu quả cao trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, phòng chống buôn lậu, cứu hộ cứu nạn và thực thi pháp luật trên biển. Đại úy Phan Văn Lễ, thuyền trưởng Hải Đội 1 - Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 cho biết, thuyền sản xuất từ PPC đã hoạt động đến nay (trên 6.000 hải lý) chịu nhiều đợt sóng cấp 4, cấp 5 nhưng thân vỏ ổn định, đạt được nhiều thành tích trong việc tuần tra cứu hộ ven biển.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bắt một số vụ buôn lậu trên biển, MS-50S đã từng va chạm mạnh vào tàu buôn lậu nhưng không hề móp bẹp, vỡ -Nếu tàu vỏ sắt, mỗi tháng chúng tôi đều phải cạo gỉ sét để sơn lại, nhưng với vỏ PPC, chúng tôi tiết kiệm được hàng triệu đồng tiền mua sơn mỗi tháng”, Đại úy Phan Văn Lễ cho biết.

Với thành công trên, trong vòng 5 năm qua Công ty James Boat đã tiến hành chế tạo và bàn giao một số sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng và dân sinh như: Tàu tuần tra cao tốc của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Hai tàu khách cao tốc Favourite 42 và Favourite 56 tàu cho Tập đoàn VinGroup; 10 chiếc tàu seri WP850, WP750 trong dự án 30 chiếc của lực lượng công an PCCC của Bộ Công An; Bến cập ca nô tàu thuyền cho Cục Cảnh sát đường thủy; Bến cập thủy phi cơ Tuần Châu – Hạ Long, bến du thuyền Cầu Mống (TP Hồ Chí Minh).

Trong hướng đi bền vững, công ty rất chú trọng vào việc hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học về vật liệu có tính chất đột phá trong ngành đóng tàu và các sản phẩm ngoài tàu thuyền. Việc kết hợp nghiên cứu đề tài thử nghiệm phao báo hiệu hàng hải với cục hàng hải đã cho những kết quả tích cực…Đặc biệt James Boat đã nhận được độc quyền từ cơ quan đăng kiểm CS Lloyd trong việc chứng nhận năng lực thiết kế, chế tạo và đăng kiểm ca nô, tàu thuyền, du thuyền đạt tiêu chuẩn Liên minh châu âu (EU) nên sản phẩm của đơn vị này được phép nhập khẩu vào EU và Mỹ.

Và đây cũng chính là cánh cửa mở ra định hướng về sản phẩm của công ty khi hội nhập  ra thế giới. Tín hiệu đáng mừng khi chính thức ký kết hợp đồng cung cấp 50 chiếc tàu seri NP 650 và 15 chiếc tàu tuần tra cao tốc seri NPS 800 với công nghệ đặc biệt thân vỏ cabin được trang bị lớp chống đạn và kính chống  đạn cho Nigeria - một đất nước châu Phi xa xôi. Trong tương lai không xa mang thương hiệu “made in Việt Nam” đáp ứng được những khách hàng khó tính và thị trường cao cấp hơn: Cộng hòa Czech, Mianma, Srilanka, và Thái Lan…

Cùng với sự phát triển đi lên trong sản xuất, việc chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên trong công ty luôn được chú trọng, điều kiện sinh hoạt trong thời gian làm việc luôn được đảm bảo, mức thu nhập được đánh giá theo đúng năng lực sức lao động của từng cá nhân (gần 50% công nhân thu nhập trên 8 triệu VND/1 tháng). Trong 5 năm qua kể từ ngày hoạt động doanh thu công ty đã đạt được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm (đã cán mốc gần 1.000 tỷ) và đã đạt được nhiều bằng khen, giải thưởng của Đảng và Nhà nước trao tặng về những sáng kiến phát minh từ công nghệ vật liệu mới-PPC. Đặc biệt, là danh hiệu Wipo - của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đã tặng thưởng cho Chủ tịch công ty vì những nỗ lực cống hiến cho xã hội…

Với những thành tựu đã đạt được, Công ty cổ phần công nghệ James Boat kính đề nghị cục Đăng Kiểm Việt Nam tạo hành lang pháp lý chính sách, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phù hợp ủng hộ công nghệ đóng tàu bằng vật liệu PPC từ 35 đến 60 người vì thời gian thử nghiệm phương tiện favourite 42 và favourite 56 đã quá thời hạn 3 năm.

Vừa qua, ngày 7/6/2017 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, các thành viên của tổ công tác bao gồm: Đại diện chủ phương tiện và đơn vị đăng kiểm quản lý phương tiện đã đánh giá tình trạng thực tế và sử dụng thử nghiệm 2 tàu Favourite 42 và Favourite 56. Các thành viên tổ công tác cùng nhất trí đề xuất Bộ GTVT cần có thêm thời gian hoạt động thực tế của phương tiện để tiếp tục thử nghiệm và đánh giá tính phù hợp của vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy.

Nguồn tin: Báo giao thông

 



Tin liên quan
...mang công nghệ hiện đại để dựng xây quê hương!
TOP